Nhằm bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi doanh nghiệp giải thể, pháp luật quy định điều kiện, thủ tục tiến hành giải thể. Điều đó bảo đảm rằng doanh nghiệp chỉ chấm dứt tồn tại và rút khỏi thị trường khi hoàn thành các nghĩa vụ đã tạo lập trong quá trình hoạt động. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về điều kiện giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2020
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp
Giải thể doanh nghiệp là gì?
Có thể hiểu một cách đơn giản, giải thể doanh nghiệp là một thủ tục hành chính trong đó chủ thể kinh doanh thực hiện đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (cơ quan đăng ký kinh doanh) nhằm chấm dứt một cách chính thức sự tồn tại của doanh nghiệp đó trên thị trường.
Hay có thể hiểu, giải thể doanh nghiệp là quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán hoặc bảo đảm thanh toán các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp. Giải thể là thủ tục để doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách hợp pháp khi không có khiếu nại về việc giải thể thì sẽ quyết định cập nhật tình trạng “đã giải thể” của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.
Điều kiện giải thể doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020
Hiểu một cách đơn giản điều kiện giải thể là những yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp có thể chấm dứt một cách chính thức sự tồn tại trên thị trường.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp tạo lập nên các mối quan hệ với chủ thể khác trong xã hội nên việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của các chủ thể đó. Vì vậy, khi doanh nghiệp giải thể có nghĩa là chấm dứt sự tồn tại thì cần đảm bảo quyền lợi của những người liên quan như người lao động, đối tác kinh doanh,…
Vì vậy pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về điều kiện giải thể doanh nghiệp đó là doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nơ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án hoặc Trọng tài.
Như vậy, các quy định về điều kiện giải thể doanh nghiệp tạo cơ sở pháp lý để chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp. Và quan trọng hơn là còn bảo vệ quyền lợi của những chủ thể có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của chủ nợ và người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại.
Điều kiện giải thể hợp tác xã có gì khác so với điều kiện giải thể doanh nghiệp
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có các loại hình doanh nghiệp chính đó là: công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, doanh nghiệp tư nhân,… Vì vậy, thông thường trên thực tế chúng ta thường nghe thấy các cụm từ như điều kiện giải thể doanh nghiệp, điều kiện giải thể công ty cổ phần, điều kiện giải thể công ty TNHH, điều kiện giải thể công ty TNHH 2 thành viên. Vậy một câu hỏi đặt ra là điều kiện giải thể Hợp tác xã có gì khác so với các loại hình doanh nghiệp hay không?
Thấy rằng, hợp tác xã không phải là một loại hình doanh nghiệp nên điều kiện giải thể của hợp tác xã cũng khác so với điều kiện giải thể của doanh nghiệp. Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về điều kiện giải thể của hợp tác xã mà chỉ quy định về hai hình thức giải thể hợp tác xã tại Luật Hợp tác xã năm 2012. Cụ thể, đó là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc.
Đối với giải thể tự nguyện thì Đại hội thành viên, hợp tác xã thành viên quyết định việc giải thể tự nguyện và thành lập hội đồng giải thể tự nguyện. Hội đồng giải thể tự nguyện gồm đại diện hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, ban điều hành, đại diện của thành viên, hợp tác xã thành viên.
Đối với giải thể bắt buộc thì giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã quyết định giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã sẽ được Uỷ ban nhân dân cùng cấp với cơ quan Nhà nước cấp khi hợp tác xã thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 54 Luật Hợp tác năm 2012. Cụ thể đó là: 12 tháng liên tục hợp tác xã không hoạt động; trong 12 tháng liên tục theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, số lượng thành viên tối thiểu của hợp tác xã luôn không được đảm bảo;…
Như vậy, điều kiện để giải thể doanh nghiệp đã được quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo đó, khi chấm dứt một cách chính thức sự tồn tại của doanh nghiệp trên thực tế thì doanh nghiệp đó cần bảo đảm quyền lợi cho đối tác, cho người lao động và cho con nợ,… Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.
Trên đây là một số vấn đề pháp lý cần giải đáp về điều kiện giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Mọi thông tin thắc mắc về điều kiện giải thể doanh nghiệp Quý khách vui lòng liên hệ hotline 0987531612 để được chuyên viên tư vấn miễn phí.
Tags: giải thể doanh nghiệp